Làm thế nào để giảm nhập siêu từ Trung Quốc ?

Thứ ba, tăng hỗ trợ sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt Nam phục vụ cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu.


Kể từ năm 1995 đến nay, nhập siêu của Việt Nam luôn ở mức dưới 5 tỷ USD, song đã tăng vọt lên trên 12 tỷ USD từ năm 2007 (gấp 2,4 lần so với năm 2006)… Xét theo quy mô GDP, nhập siêu tương đối cao (trên 10% GDP) những năm 1995 – 1996, 2003 – 2004 và đặc biệt cao từ năm 2007 (trên 20% GDP), nhưng xét theo tỷ lệ nhập siêu trên tổng kim ngạch xuất khẩu thì nhập siêu năm 2007 (gần 30% kim ngạch xuất khẩu) lại không đáng lo ngại bằng giai đoạn 1995 – 1996 (trên dưới 50% kim ngạch xuất khẩu). Trong cơ cấu nhập siêu, khoảng 85% giá trị hàng nhập khẩu là nguyên nhiên vật liệu, máy móc thiết bị cho sản xuất, phần lớn từ các nước châu Á và ASEAN; còn sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là khoáng sản thô và hàng gia công.

Năm 2010, nhập siêu của Việt Nam có 2 điều không bình thường: Thứ nhất, Việt Nam nhập khoảng 10 tỷ USD hàng tiêu dùng và xa sỉ, thuộc diện hạn chế và không khuyến khích nhập khẩu, hoặc trong nước có thể sản xuất được; Thứ hai, đặc biệt, nhập siêu từ Trung Quốc bằng 12,6 tỷ USD, trong khi tổng nhập siêu của Việt Nam là 12 tỷ USD, tức bằng tới 106% tổng nhập siêu của cả nước. Nghĩa là, Việt Nam xuất siêu với hàng trăm nước bạn hàng, nhưng lại nhập siêu duy nhất từ 1 nước, với số nhập còn lớn hơn tổng nhập siêu của cả nước. Nói cách khác, nếu không “dính vào” Trung Quốc, thì Việt Nam đã thực sự xuất siêu từ năm 2010, tức đạt được trọn vẹn cả 2 mục tiêu của phát triển thương mại Việt Nam là: Cân bằng cán cân thương mại vào năm 2010 và tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2001 – 2010 phải gấp đôi tăng trưởng GDP (thực tế, trong giai đoạn này, Việt Nam tăng trưởng GDP xấp xỉ 8% và tăng trưởng xuất khẩu đạt gần 19%). Có thể nói, giảm nhập siêu từ Trung Quốc là bài toán cần giải để tiến tới cân bằng xuất-nhập khẩu Việt Nam trong giai đoạn tới.

Để giải bài toán giảm nhập siêu từ Trung Quốc, cần chú ý những giải pháp sau:

Thứ nhất, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc toàn diện nền kinh tế theo hướng từ “lượng” sang “chất”, kể cả tốc độ và cơ cấu xuất nhập khẩu.

Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Theo đó, tăng trưởng kinh tế trung bình từ 7,5- 8% GDP/năm, nhưng tăng trưởng xuất khẩu sẽ chỉ gấp 1,5 lần, khoảng 12%/năm. Điều này là cần thiết để cải thiện cơ cấu thương mại Việt Nam theo hướng giảm xuất khẩu hàng khoáng sản, nông sản thô, tập trung xuất hàng công nghiệp chế tạo và nông sản chế biến. Đồng thời, giảm nhập khẩu những nguyên vật liệu đầu vào của những ngành có hàm lượng gia công cao, mức độ chế biến thấp, giá trị gia tăng thấp (ví dụ, những ngành như dệt may, giày dép, đồ gỗ có tới 80 – 85% nguyên liệu sản xuất đầu vào đều phải nhập của nước ngoài). Trung Quốc cung cấp những thiết bị, công nghệ rẻ tiền và đến trên 60% nguyên liệu cho Việt Nam hoạt động sản xuất xuất khẩu. Vì vậy, việc giảm mạnh xuất khẩu những mặt hàng phụ thuộc Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam giảm nhập khẩu từ nước này. Đồng thời, cán cân thương mại với trung Quốc cũng sẽ được cải thiện nếu Việt Nam chủ động nhập nguyên liệu từ Trung Quốc sản xuất để xuất khẩu sang chính Trung Quốc.

Ngoài ra, chính sách ưu đãi thu hút FDI của Việt Nam cũng cần có sự điều chỉnh theo hướng bình đẳng hơn với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và chọn lọc hơn để cộng đồng doanh nghiệp này tạo động lực mạnh hơn vào việc đầu tư sản xuất dài hạn, gia tăng xuất khẩu và chuyển giao công nghệ hiện đại.

Đặc biệt, cần sớm xây dựng và triển khai một chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ phù hợp, giúp tiết kiệm được một nguồn ngoại tệ lớn và tránh những cú sốc về giá nhập khẩu nguyên vật liệu khi thị trường thế giới tăng mạnh. Trong 5 tháng đầu năm 2011, giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2010, bình quân khoảng 24%, trong đó giá nhiều mặt hàng tăng rất cao như xăng dầu tăng 41,5%, cao su các loại tăng 25,5%, bông tăng 110%, sợi tăng 39,4%, kim loại thường khác tăng 110%…Theo ước tính sơ bộ, giá và lượng hàng hóa tăng đã góp phần đưa kim ngạch nhập khẩu tăng thêm 9,4 tỷ USD, trong đó tăng do lượng khoảng 1,9 tỷ USD (chiếm 20%) và tăng do giá khoảng 7,5 tỷ USD (chiếm 80% kim ngạch tăng thêm). Nhập siêu 5 tháng đầu năm 2011 ước khoảng 6,5 tỷ USD, bằng 18,8% kim ngạch xuất khẩu. Chỉ tính do yếu tố tăng giá đã làm nhập siêu tăng thêm 1,5 tỷ USD.

Thứ hai, tăng cường kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu, hạn chế nhập khẩu các hàng xa xỉ và hàng tiêu dùng trong nước có thể sản xuất được.

Việc tuyên truyền rộng rãi, chính xác, kịp thời cho người tiêu dùng trong nước biết rõ về nguồn gốc, chất lượng và nguy cơ tác hại đến sức khỏe và độ bền sản phẩm của các hàng tiêu dùng và máy móc, thiết bị, công nghệ ngoại nhập rẻ tiền, mau hỏng do chất lượng thấp, nhất là từ Trung Quốc, là điều kiện quan trọng để người tiêu dùng Việt Nam trở thành người tiêu dùng thông thái, chủ động và tỉnh táo hơn, biết tự bảo vệ mình trước những “chiêu” sử dụng công nghệ độc hại nhằm giảm giá thành, quảng cáo và khuyến mại bán hàng của các chủ sản xuất và kinh doanh hàng Trung Quốc, từ đó giúp giảm tổng cầu về hàng nhập từ Trung Quốc.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần chủ động xây dựng và sử dụng linh hoạt các hàng rào kỹ thuật (như kiểu Thông tư 20 siết nhập ôtô và Thông tư 197 về siết 3 mặt hàng điện thoại di động, rượu, mỹ phẩm…), phù hợp với cam kết WTO về quyền sử dụng các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo cho cán cân thương mại, cán cân thanh toán khi xảy ra mất cân đối nghiêm trọng, cũng như đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ môi trường. Hơn nữa, cũng cần rà soát bãi bỏ tất cả những ưu đãi thuế quan bất hợp lý, không cần thiết cho việc nhập khẩu các hàng tiêu dùng và xa xỉ, nhất là đối với các khu thương mại vùng biên và kinh tế mở, nhằm giảm thiểu tình trạng lạm dụng, gây thất thoát NSNN và tăng nhập siêu.

Thứ ba, tăng hỗ trợ sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt Nam phục vụ cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh việc mở rộng tuyên truyền chủ trương: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan cần có chiến lược dài hạn và giải pháp đồng bộ, nhất quán tập trung đẩy mạnh sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh toàn diện (chất lượng, mẫu mã, bao bì, giá cả, công năng và tiện ích, cùng các dịch vụ hậu mãi…), cũng như tăng cường quảng bá các thông tin hữu ích có liên quan của hàng Việt Nam. Đặc biệt, phát triển hệ thống phân phối, bán lẻ hàng Việt, tăng cường sự gắn kết giữa các nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng có ý nghĩa quan trọng để người tiêu dùng thuận lợi trong tiếp cận và ưu tiên sử dụng hàng Việt, giảm bớt tâm lý chuộng hàng ngoại.

Cuối cùng, cần thấy rằng, về khách quan, trước mắt Việt Nam chưa thể nhanh chóng giảm ngay nhập siêu từ Trung Quốc do tính bổ sung cơ cấu trong nền kinh tế 2 nước trong mô thức phát triển hiện hành. Nhóm hàng cần nhập khẩu từ Trung Quốc (gồm máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, kể cả sản xuất hàng xuất khẩu) hiện chiếm tỷ trọng khoảng 85% tổng nhập khẩu của Việt Nam, nếu nhập từ nguồn ở nước khác có thể đắt hơn tới 20% và làm giảm tính cạnh tranh của hang Việt Nam.

Nói cách khác, nhập siêu của Việt Nam chỉ có thể giải quyết căn bản trong bối cảnh thay đổi mô thức phát triển hiện hành, trên cơ sở đột phá thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, chuyển mạnh sang phát triển theo chiều sâu, hiện đại và bền vững, coi trọng chất lượng phát triển như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã chỉ ra.

Related posts:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *